Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Năm 2006, Khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận điều trị cho 900 trẻ bị vàng da sơ sinh, trong đó có hàng chục trẻ bị biến chứng ở não do nhập viện trễ. Còn Khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 2 năm 2006 tiếp nhận 223 trẻ bị vàng da sơ sinh, trong đó 4 trẻ bị biến chứng ở não

Ngày 5-3, cháu N.N.T, 5 ngày tuổi, ngụ ở quận Gò Vấp -TPHCM được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TPHCM trong tình trạng màu da vàng sậm, tay chân gồng lên. Kết quả xét nghiệm cho thấy chất bilirubin tăng lên quá cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị vàng da nhân và lập tức thay máu để giảm độ bilirubin trong máu. Tuy nhiên, do nhập viện trong tình trạng quá nặng nên chỉ hai ngày sau cháu bé đã tử vong.
Trẻ có thể tử vong nếu mắc bệnh vàng da - 1
Gây hôn mê, co giật, tử vong
Bác sĩ Trần Thị Hoa Phượng, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết phần lớn trẻ sơ sinh đều có vang da 36 giờ sau sinh. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị phá vỡ sẽ phóng thích vào máu một lượng lớn chất có sắc tố vàng (bilirubin) làm cho trẻ bị vàng da. Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày vì chất bilirubin đã được đào thải qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao sẽ thấm vào não (tên y học gọi là vàng da nhân) làm trẻ bị hôn mê, co giật, tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn. Vàng da nhân thường xuất hiện trước 24 giờ sau sinh, da sậm màu ngày càng nhiều với mức độ diễn tiến rất nhanh. Có thể buổi sáng mới thấy trẻ vàng da thì buổi chiều màu da đã chuyển sang vàng sậm. Ngoài ra, trẻ còn có những biểu hiện khác như bỏ bú, gồng tay chân, ngưng thở. Bác sĩ Phượng tỏ ra nuối tiếc khi không ít trẻ đã tử vong do phát hiện trễ bệnh vàng da nhân. Những trường hợp này nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị cực kỳ đơn giản. Bệnh nhân chỉ cần được chiếu đèn để chất bilirubin từ từ giảm xuống.
Vàng da do teo đường mật
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 1 TPHCM, nếu sau 14 ngày sau sinh mà trẻ vẫn bị vàng da thì cần phải đưa trẻ đi thử máu để tìm nguyên nhân. Với những trẻ được bú mẹ hoàn toàn thì có thể đợi đến 21 ngày. Vàng da ở trẻ sơ sinh hoặc ở trẻ lớn hơn còn là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh teo đường mật bẩm sinh. Trẻ mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh có triệu chứng vàng da khoảng một tuần sau khi sinh. Sau đó, da trẻ sẽ ngày càng vàng sậm và đi phân nhạt màu, phân có thể bạc trắng như phân cò. Trong giai đoạn đầu, trẻ vẫn bú tốt, tăng cân nên rất nhiều bậc cha mẹ không biết trẻ mắc bệnh. Bác sĩ Phúc cho biết đa số trẻ mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng rất nặng, ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều trị. Với bệnh teo đường mật bẩm sinh, khả năng sống của trẻ được tính theo từng ngày nhập viện. Đến BV trễ mỗi ngày sẽ làm bệnh nhân mất đi 1% khả năng sống. Đến trễ sau 3 tháng thì tỉ lệ sống còn rất thấp. Khoảng thời gian phẫu thuật tốt nhất là trước khi bệnh nhân được 3 tháng tuổi. Sau phẫu thuật, một số trẻ sẽ trở lại bình thường và một số trẻ sẽ có biểu hiện ứ mật sau 3-5 năm phẫu thuật. Những trường hợp sau khi phẫu thuật có biểu hiện ứ mật hoặc đến BV trong giai đoạn quá muộn sẽ đều phải chờ ghép gan. Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2, cho biết hiện nay bệnh teo đường mật bẩm sinh chiếm đến 40%-70% trong chỉ định ghép gan ở trẻ em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét